An toàn trong sử dụng thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch: Phân tích từ các báo cáo biến cố bất lợi

Ngày 27/10/2020

 -  2058 Lượt xem

Tĩnh mạch (TM) là đường đưa thuốc phổ biến trong thực hành lâm sàng tại bệnh viện. Đường dùng này thường được sửdụng với một số thuốc cần cảnh giác cao, gia tăng nguy cơ gây ra các tác hại nghiêm trọng cho bệnh nhân nếu có sai sót trong khi sử dụng.Yêu cầu cải thiện quy trình sử dụng thuốc, dựa trên nguy cơ gặp tác hại liên quan đến thuốc sử dụng qua đường tĩnh mạch là một bước quan trọng hướng đến thay đổi hệ thống trong sử dụng thuốc đường tĩnh mạch. Một phân tích các biến cố bất lợi đã được tiến hành để đưa ra định hướng nhằm tăng cường an toàn trong sử dụng thuốc, đặc biệt với các thuốc dùng qua đường TM.

 

Phương pháp nghiên cứu

Biến cố liên quan đến sử dụng thuốc qua đường TM được trích xuất từ các báo cáo được gửi đến 3 cơ sở dữ liệu của ISMP (báo cáo từ nhân viên y tế, báo cáo từ người tiêu dùng và báo cáo từ nhà thuốc cộng đồng) và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về báo cáo biến cố thuộc Viện Thông tin Y tế Canada trong 3 năm, từ 10/2015 đến 9/2018.

Thuật ngữ chính dùng để tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu bao gồm “drip”, “IV”, “intravenous”, và “infus*”. Biếncốbị loại trừ nếu chỉ mô tảviệc sử dụng dịch truyền TM bù nước (có hoặc không cóchất điện giải, không cóchất bổ sung), chế phẩm máu,hoặc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, hoặcsử dụng thuốc qua đường TM để xử trí cho sai sót khi sử dụng thuốc trước đó.

 

Phân tích định lượng

Có tất cả 2210 biến cố được xác định và sàng lọc để đưa vào nghiên cứu.

Trong đó 1583 biến cố được lựa chọn đưa vào phân tích định lượng. Kết quả của nghiên cứu được mô tả như thống kê dưới đây, bao gồm 10 thuốc, 3 giai đoạn sử dụng thuốc và 5 loại biến cố được báo cáo thường xuyên nhất, cũng như 5 loại thuốc gây ra biến cố có hại nhiều nhất.

- 10 thuốc dùng đường TM liên quan đến biến cố bất lợi nhiều nhất bao gồm piperacillin/tazobactam (9,7%); vancomycin (8,8%); cefazolin (7,4%); morphine (6,8%); heparin (6,8%); ceftriaxone (5,5%); hydromorphone (5,2%); furosemide (3,9%); pantoprazole (3,2%); metronidazole (2,5%);

- 5 thuốc hàng đầuđược báo cáo thường xuyên nhất liên quan đến các biến cố sử dụng thuốc qua đường tĩnh mạch gây hại cho người bệnh gồm có morphin, heparin, hydromorphon, piperacillin/tazobactam, vancomycin.

- 3 giai đoạn sử dụng các thuốc qua đường tĩnh mạch liên quan đến các biếncố bất lợi được báo cáo nhiều nhất bao gồm dùng thuốc (56,7%), lưu trữ/vận chuyển (20,1%), pha chế/cấp phát (14,5%)

- 5 loại sai sót được báo cáo thường xuyên nhất liên quan đến các biến cố dùng thuốc qua đường tĩnh mạch gồm có bỏ sót liều (17,9%), sai thời điểm (17,1%), sai liều lượng (11,2%), sai tỷ lệ/tần suất (7,5%), sai thuốc (6,1%)

 

Phân tích định tính

Sau khi loại trừ các báo cáo thiếu thông tin để xác định bối cảnh xảy ra biến cố, 1498 biến cố được đưa vào phân tích định tính, tiến hành theo phương pháp luận được nêu trong Khung phân tích biến cố của Canada. Phân tích định tính các báo cáo biến cố bất lợi chỉ ra 3 vấn đề lớn, theo sau là các vấn đề nhỏ.

 

Các vấn đề

- Khó khăn trong xử lý và hậu cần 

+ Thời gian không phù hợp

+ Không tương hợp

+ Nhãn không chính xác

+ Bảo quản không đúng cách/sản phẩm hết hạn

- Sai sót trong giai đoạn sử dụng thuốc

+ Sai bệnh nhân

+ Sai thuốc

+ Sai liều

+ Sai đường dùng

+ Sai tỷ lệ (không bao gồm lỗi cài đặt bơm)

- Vấn đề liên quan đến thiết bị tiêm truyền tĩnh mạch, vật tư và các trang thiết bị khác

+ Cài đặt bơm tiêm điện

+ Kẹp, ống, bộ lọc và bơm tiêm điện

+ Khác (Ví dụ, pin, trục trặc về bơm tiêm điện,  công tắc bật/tắc)

 

Kết luận

Thuốc thường được sử dụng qua đường tĩnh mạch tại nhiều cơ sở y tế. Nghiên cứu phân tích các biến cố bất lợi đã mô tả các loại thuốc và biến cố được báo cáo nhiều nhất khi sử dụng qua đường tĩnh mạch và nâng cao nhận thức về cơ hội cải thiện an toàn cho bệnh nhân. Đáng chú ý, trong số các loại thuốc được báo cáo thường xuyên nhất liên quan đến biến cố gây hại, có 3 loại thuốc cần cảnh giác cao, trong đó có 2 opioid. Đẩy mạnh khâu xử lý và hậu cần, kết hợp kiểm tra thích hợp trước khi dùng thuốc và giảm thiểu các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến thiết bị đều cần thiết để cải thiện tính an toàn của thuốc sử dụng qua đường TM.

Tổng hợp: Tổ DLS-TTT (BVBC)

 

Nguồn: Trung tâm DI& ADR Quốc gia

http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/1820/An-to%C3%A0n-trong-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-thu%E1%BB%91c-ti%C3%AAm-truy%E1%BB%81n-t%C4%A9nh-m%E1%BA%A1ch-Ph%C3%A2n-t%C3%ADch-c%C3%A1c-bi%E1%BA%BFn-c%E1%BB%91-b%E1%BA%A5t-l%E1%BB%A3i.htm