Các nhóm thuốc điều trị đau lưng

Ngày 14/08/2020

 -  5818 Lượt xem

Người dịch: DSCKI. Bành Đức Hòa

Hầu hết mọi người sẽ trải qua đau lưng ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân của đau lưng là rất nhiều; một số là tự gây ra do một thói quen không đúng cách như tư thế ngồi, đi đứng,…. Đau lưng bao gồm đau lưng  dưới, đau lưng giữa, đau lưng trên hoặc đau thắt lưng với đau thần kinh tọa. Các vấn đề về thần kinh và cơ bắp, bệnh thoái hóa đĩa đệm và viêm khớp có thể dẫn đến đau lưng các nguyên nhân đau lưng khác bao gồm tai nạn, căng cơ và chấn thương thể thao. Mặc dù các nguyên nhân có thể khác nhau, nhưng hầu hết chúng thường có chung các triệu chứng như:

- Đau nhức hoặc cứng khớp dai dẳng ở một vị trí nào đó dọc theo cột sống từ cổ đến xương cùn.

- Đau nhói, đau cục bộ ở cổ, phần lưng trên hoặc lưng dưới - đặc biệt là sau khi nâng vật nặng hoặc tham gia vào các hoạt động  gắng sức  khác; (đau ở phần lưng trên cũng có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim hoặc các tình trạng đe dọa tính mạng khác.)

- Đau mạn tính ở lưng giữa hoặc dưới, đặc biệt là sau khi ngồi hoặc đứng lâu.

- Đau lưng tỏa ra từ thắt lưng đến mông, xuống phía sau đùi và vào bắp chân và ngón chân

- Không có khả năng đứng  do bị đau hoặc co thắt cơ ở lưng dưới.

Các loại thuốc giảm đau

Xác định nguyên nhân gây ra bệnh, và ngoài việc nghỉ ngơi, thể dục, bơi lội, châm cứu,… Thuốc là một trong những phương cách điều trị cần thiết để kiểm soát cơn đau

Thuốc giảm đau không kê đơn như  paracetamol, aspirin hoặc NSAID ( ketoprofen, ibuprofen  và naproxen - có thể hữu ích). Đối với những cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống viêm / thuốc giảm đau hoặc  thuốc opioid (thuốc gây nghiện) ngoài ra cũng  có thể dùng thêm thuốc giãn cơ. Tuy nhiên,  chúng ta hãy cẩn thận, một số loại thuốc này có ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh trung ương  và thường gây buồn ngủ.

1. Các loại thuốc giảm đau thường gặp

Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC)

Thuốc giảm đau không kê đơn có tác dụng làm giảm những cơn đau nhẹ như đau đầu, sốt, cảm, đau răng, đau bụng kinh, cúm, viêm khớp,...

Có 2 nhóm thuốc giảm đau không kê đơn đó là thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) và paracetamol (Acetaminophen).

- Acetaminophen có hoạt tính của hơn 600 các loại thuốc kê đơn và không kê đơn (bao gồm thuốc giảm đau, thuốc ho, thuốc cảm,...);

- NSAID là nhóm những loại thuốc thông dụng thường dùng để hạ sốt, giảm đau mức độ khá nhẹ như naproxen, aspirin, ibuprofen cùng rất nhiều thuốc khác được dùng điều trị cảm lạnh, dị ứng và viêm xoang.

Thuốc giảm đau kê đơn

Những thuốc giảm đau kê đơn thường thấy bao gồm các loại thuốc opioid cùng các thuốc không opioid. Các thuốc opioid có tác dụng rất mạnh. Chúng tác động bằng cách tác động lên trên não, tủy sống và ống tiêu hoá và từ đó có thể làm thay đổi cảm giác đau.

Thuốc giảm đau kê đơn thường có các loại sau:

- Morphine: thường được sử dụng trước và sau khi thực hiện phẫu thuật;

- Oxycodone: thường được dùng để giảm đau mức độ từ vừa đến nặng;

- Codeine: thường được phối hợp với paracetamol hay những thuốc giảm đau không opioid khác. Thường được kê đơn trong trường hợp đau nhẹ đến vừa;

- Hydrocodone:thường được phối hợp với paracetamol hoặc những thuốc giảm đau không chứa opioid khác. Thường được kê đơn cho trường hợp đau từ vừa đến nặng.

- Tramadol: thường dùng dạng phối hợp với paracetamol (paracetamol 325 mg+ tramadol 37,5 mg)

2. Dùng theo hướng dẫn

Thuốc giảm đau an toàn và hiệu quả khi sử dụng theo chỉ dẫn. Tuy nhiên, việc lạm dụng các sản phẩm này có thể cực kỳ có hại và thậm chí gây tử vong.

 Một vài lưu ý:

Acetaminophen (paracetamol)

- Dùng quá liều có thể gây nguy hiểm tính mạng;

- Dùng quá nhiều có thể gây hại nghiêm trọng tới gan, thậm chí dẫn tới tử vong, đặc biệt là khi người dùng sử dụng đồ uống có cồn khi cùng lúc uống thuốc có chứa thành phần Acetaminophen;

- Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em, cần tham khảo kỹ lưỡng ý kiến từ bác sĩ.

 NSAID

- Có khả năng khiến người dùng bị xuất huyết dạ dày, nhất là với những người khoảng 60 tuổi trở lên hoặc có tiền sử bị bệnh viêm, loét, chảy máu dạ dày;

- Nguy cơ bị bệnh thận cao đối với những người đang kết hợp dùng thuốc lợi tiểu, tăng huyết áp, có bệnh tim hoặc đã bị bệnh thận sẵn và đối tượng người từ 60 tuổi trở lên.

Opioid

- Khi sử dụng có thể gây buồn ngủ, vì vậy không nên sử dụng máy móc hoặc lái xe khi đã uống thuốc, nhất là khi bệnh nhân mới bắt đầu uống thuốc lần đầu;

- Mỗi người có một liều lượng sử dụng riêng, liều bình thường với bạn có thể là quá liều thuốc với người khác. Chính vì thế, không nên sử dụng thuốc của ai hay đưa ai sử dụng thuốc của mình.

- Bệnh nhân cần trao đổi với dược sĩ, bác sĩ hoặc nhân viên y tế khi bạn có những thắc mắc về các loại thuốc giảm đau, đặc biệt trước khi muốn dùng thuốc kết hợp cùng với thực phẩm bổ sung hay các thuốc không kê đơn.

- Giảm nguy cơ tương tác thuốc bằng việc không phối hợp opioid với rượu, thuốc kháng barbiturate hoặc benzodiazepine. Tất cả những chất nêu trên sẽ làm chậm nhịp thở và tác dụng kết hợp của chúng có thể dẫn đến suy hô hấp và đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, bệnh nhân không được cắn hoặc bẻ viên thuốc giảm đau vì việc này có thể làm thay đổi tỷ lệ thuốc được hấp thu vào cơ thể và dẫn đến quá liều hoặc thậm chí là tử vong.

Nguồn:

1.     https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/guide-safe-use-pain-medicine

2.     https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/dont-double-acetaminophen

3.     https://www.webmd.com/back-pain/back-pain-treatment#1