CỨU SỐNG BỆNH NHÂN VỠ GAN, NGUY KỊCH

Ngày 24/04/2022

 -  596 Lượt xem

CỨU SỐNG BỆNH NHÂN VỠ GAN, NGUY KỊCH

NHỜ HIỆU QUẢ CỦA QUY TRÌNH BÁO ĐỘNG ĐỎ

……………………

 

Lúc 8h55, sáng ngày 11/ 3/ 2022, Khoa Cấp cứu Bệnh viện huyện Bình Chánh tiếp nhận bệnh nhân Ng. Th. Đ. 17 tuổi, trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, đau bụng dữ dội, mạch nhanh 106 lần/ phút, huyết áp tụt 80/50mmHg, đa vết thương. Qua thông tin của người đưa đến cho biết, cách nhập viện 30 phút, bệnh nhân chạy xe máy bị té, không rõ cơ chế chấn thương, nằm bất tỉnh khoảng 5 phút, người đi đường đến hỗ trợ đưa đi cấp cứu.


Ekip trực Cấp cứu nhanh chóng tiếp nhận bệnh, qua khám sơ bộ, đánh giá tình trạng bệnh nhân nguy kịch, có dấu hiệu sốc do đa chấn thương (đầu, ngực, bụng) nghi có tình trạng có xuất huyết nội do vỡ tạng đặc trong ổ bụng. Lập tức Ekip trực tiến hành kích hoạt “Báo động đỏ nội viện”. Các bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…đã được huy động để hội chẩn và thực hiện khẩn các xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, X-quang tại giường, CT-Scan sọ não…Sau 20 phút bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ, vừa hồi sức tích cực, vừa tiến hành can thiệp, phẫu thuật cấp cứu cầm máu trong ổ bụng ngay cho bệnh nhân.

 

 


Ca mổ được thực hiện khẩn trương và đầy căng thẳng, với sự phối hợp nhịp nhàng của Ekip phẫu thuật, gây mê hồi sức. Bệnh nhân bị vỡ gan, tổn thương ở hạ phân thùy IV với 2 đường vỡ lớn 10cm và 6cm đang chảy máu trong ổ bụng, đồng thời dập phù nề tụy. Ekíp phẫu thuật tiến hành thắt mạch máu vùng rốn gan để kiểm soát máu chảy, sau đó tiến hành khâu cầm máu gan. Đơn vị xét nghiệm đã kịp thời cấp 7 đơn vị máu (4 đơn vị hồng cầu lắng, 2 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 1 đơn vị kết tủa lạnh) để truyền cho bệnh nhân. Lượng máu chảy trong ổ bụng bệnh nhân ghi nhận khoảng 1200ml. Kíp mổ đã kiểm tra các cơ quan khác trong ổ bụng không ghi nhận tổn thương nào khác, bệnh nhân được đặt dẫn lưu dưới gan để theo dõi tình trạng chảy máu có thể tiếp diễn sau  mổ.

 

 

Hậu phẫu ngày thứ nhất, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu mạch và huyết áp ổn định, bớt đau bụng, ống dẫn lưu dưới gan không ghi nhận chảy máu, các chỉ số xét nghiệm máu trong giới hạn an toàn. Ngày hậu phẫu thứ 3, bệnh nhân đã vận động được tại chỗ, ăn uống được, các ống dẫn lưu đã được rút bỏ.

Bệnh nhân được xuất viện vào ngày 18/3/2022 trong sự vui mừng của gia đình và tất cả các y bác sĩ của Bệnh viện huyện Bình Chánh.

Công tác báo động đỏ nội viện và liên viện là một sáng kiến của Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đã được triển khai và thực hiện hiệu quả. Quy trình này đã tăng khả năng cứu sống các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cần sự phối hợp can thiệp ngay để giành lại sự sống của bệnh nhân.

Quy trình báo động đỏ của Bệnh viện huyện Bình Chánh được diễn tập thường xuyên và thực hiện chặt chẽ, giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân. Ngoài các trường hợp báo động đỏ do tai nạn giao thông, còn có các tình huống báo động đỏ do tai biến sản khoa. Bằng sự nhiệt tình và công tác phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng giữa các khoa trong bệnh viện, Bệnh viện huyện Bình Chánh đã cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch./.