Bệnh viện huyện Bình Chánh Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá và tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25/5/2023-31/5/2023

Ngày 03/06/2023

 -  257 Lượt xem

Bệnh viện huyện Bình Chánh Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá và tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25/5/2023-31/5/2023;

Chủ đề “ Bệnh viện không khói thuốc lá, sức khỏe cho mọi người “.

                                               Phòng QLCL- Tổ TTGDSK

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 loại bệnh khác nhau (bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mức độ nghiêm trọng, mỗi năm gây ra khoảng 60.000 ca. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút mất khả năng lao động, tử vong sớm. Hàng năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 tử vong có liên quan đến hút thuốc lá.

Hiện nay thuốc lá điện tử đang làm trẻ hóa độ tuổi hút thuốc lá, thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá làm nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Cả hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra khí (làn hơi/khói) để hít vào. Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong nhiều hơn thuốc lá. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em ,vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho độ tuổi nghiện hút thuốc lá ngày càng trẻ hóa.

Khi hút thuốc lá điện tử thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường. Trong bút vape (vếp) chứa chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.

Theo các chuyên gia, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.

Song song đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe. Khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Vì thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm các hóa chất trong thuốc lá làm nóng có thể gây ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ... Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây hại hơn thuốc lá điếu thông thường vì có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện, là một bệnh thuộc loại rối loạn hành vi do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa... Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường.

Thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục gây gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh tật lớn. Thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 3,6% GDP. Theo số liệu của các nước phát triển, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm 6 - 15% tổng chi phí y tế. Tại Việt Nam, theo ước tính của các chuyên gia, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 67.000 tỷ đồng.

Rác thải của bộ phận thiết bị điện tử, ống chứa dung dịch gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường sau khi sử dụng, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần.

Tiêu dùng thuốc lá điện tử ảnh hưởng tới đói nghèo, phát triển bền vững. Các hãng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu thế đưa ra nhiều sản phẩm với giá bán thấp hơn để tiếp cận người có thu nhập thấp (là đối tượng dễ tổn thương nhất). Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp. Một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.

Theo WHO, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm từ các nước đã cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy: Cả người đang hút thuốc lá điếu thông thường và người không hút thuốc lá sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung vẫn tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường hoặc hút song song cả hai loại sản phẩm

Từ những tác hại trên, mong các bậc cha mẹ, người thân hãy chú ý đến con em, không hút thuốc trước mặt trẻ, luôn là người bạn của con, hỗ trợ trẻ kịp thời khi gặp các khó khăn, vướng mắc trong việc học, cũng như giao tiếp ứng xử trong môi trường gia đình, trường học, cộng đồng.

          Các bạn trẻ không sử dụng, không lôi kéo, rủ rê người khác tham gia hút hít, không vận chuyển, không mua bán tàng trữ chất gây nghiện. Không hút thuốc lá vì sức khỏe của chính bạn, an toàn cho bạn và người thân. Hút thuốc lá trong bệnh viện là vi phạm pháp luật.

Nguồn : WHO; Bộ Y Tế; HCDC.