Lợi ích của kẽm đối với người bệnh đái tháo đường

Ngày 04/11/2020

 -  4384 Lượt xem

Bạn đang tìm kiếm các biện pháp kiểm soát đường huyết tự nhiên? Rất may, có một sản phẩm dễ tìm và giá thành tương đối rẽ, đó là kẽm. Và lợi ích của kẽm đối với việc chăm sóc bệnh đái tháo đường là rất ấn tượng.

Kẽm thường dùng như chất bổ sung để tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ trong điều trị các bệnh như: cảm cúm, parkinson, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hay dùng điều trị mụn,... Một lợi ích khác của Kẽm đối với cơ thể là có thể hữu ích trong bệnh đái tháo đường. Kẽm tập trung nhiều trong các tế bào beta của tuyến tụy, nơi sản xuất insulin. [1] Các lợi ích của kẽm bao gồm thúc đẩy chức năng insulin khỏe mạnh, giúp kiểm soát lượng đường trong máu môt cách tự nhiên và thậm chí có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường ngay từ đầu.

Lợi ích của kẽm và Insulin

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng kẽm hoạt động giống như insulin khi được đưa vào mô nhạy cảm với insulin và nó dường như kích thích hoạt động của insulin. [1] Nó liên kết với các thụ thể insulin (insulin receptors), kích hoạt các con đường dẫn truyền tín hiệu insulin, và hơn thế nữa, tất cả đều dẫn đến việc tế bào hấp thụ glucose và thanh thải glucose khỏi máu. [2] Kẽm cũng cần thiết cho quá trình xử lý, lưu trữ và tiết insulin chính xác, [1] và nó có thể bảo vệ chống lại sự mất tế bào β, một dấu hiệu của bệnh tiểu đường. [3] Bởi vì kẽm có mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động của insulin, thiếu kẽm có liên quan đến chức năng tế bào β kém và tỷ lệ kháng insulin cao hơn. [3]

Giảm nồng độ kẽm ở bệnh nhân tiểu đường

Người bệnh đái tháo đường , mức kẽm trong cơ thể luôn thấp. Một nghiên cứu cho thấy những người tiền tiểu đường có nhiều khả năng bị thiếu kẽm và ở bất kỳ chỉ số khối cơ thể (BMI) nào cho trước, những người có mức kẽm thấp hơn sẽ kháng insulin tăng so với những người có mức kẽm cao hơn. [3] Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra tỷ lệ thiếu kẽm cao ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. [2]

Sử dụng kẽm để ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Vì thiếu kẽm có liên quan đến tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường loại 2, các nhà nghiên cứu muốn biết, kẽm có thể giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh tiểu đường không? Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để biết chắc chắn, nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó có thể (ít nhất là ở phụ nữ). Trong một nghiên cứu theo dõi 82.297 phụ nữ trong suốt 24 năm, những người có lượng kẽm hấp thụ cao hơn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn. [4] Một nghiên cứu khác vào năm 2013 cũng cho thấy như vậy; lượng kẽm cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở phụ nữ trung niên. [2]

Bổ sung kẽm có thể cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu

Kẽm có thể hữu ích trong việcphòng ngừa và điều trị bệnh khi bạn đã bị đái đường? Nhiều nghiên cứu trên động vật và phòng thí nghiệm cho thấy bổ sung kẽm có thể làm giảm lượng đường lúc đói và cải thiện chức năng của insulin ở các mô hình động vật mắc bệnh tiểu đường. [1] Trong khi các nghiên cứu ở người còn hạn chế hơn, bằng chứng ngày càng tăng cho thấy con người cũng có thể hưởng lợi từ việc bổ sung kẽm, với việc bổ sung kẽm dẫn đến cải thiện chức năng insulin và kiểm soát lượng đường trong máu. [2,5,6]

Các lợi ích khác của việc bổ sung kẽm đối với bệnh đái tháo đường

Kẽm không chỉ là một chiến lược kiểm soát đường huyết một cách  tự nhiên; kẽm cũng còn có tác dụng chống các chất oxy hóa.Stress do các chất oxy hóa thường xảy ra ở người bệnh đái tháo đường và việc bổ sung kẽm có thể giúp giảm tổn thương do chất oxy hóa tạo ra [1,3,7].  Ngoài ra, kẽm cũng có thể giúp kiểm soát chuyển hóa lipid ở bệnh nhân tiểu đường, giúp cải thiện mức cholesterol và triglyceride.[6,8]

Uống bổ sung kẽm như thế nào ?

Liều khuyến cáo hàng ngày của kẽm là 12 mg đối với phụ nữ và 15 mg đối với nam giới. [5] Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định nhiều hơn mức này. Trên thị trường chế phẩm kẽm có nhiều dạng bào chế: viên nén, viên sủi, viên ngậm kẽm. Đặc biệt viên ngậm (lozenges) là ở kẽm dạng muối gluconat là một nguồn cung cấp kẽm dồi dào vì chúng dễ hấp thụ.

Người dịch: DSCKI. Bành Đức Hòa

Nguồn: Zinc Benefits for Diabetes: May Offer Natural Blood Sugar Control and More

https://universityhealthnews.com/daily/diabetes/benefits-of-taking-zinc-for-diabetes-natural-blood-sugar-control-and-more/

Link tham khảo trong bài viết:

  1. Food Nutr Bull. 2013 Jun;34(2):215-21.
  2. BMC Endocr Disord. 2013 Oct 4;13:40.
  3. PLoS One. 2013 Apr 17;8(4):e61776.
  4. Diabetes Care. 2009 Apr;32(4):629-34.
  5. Cochrane Database Syst Rev. 2007 Jan 24;(1):CD005525.
  6. Diabetol Metab Syndr. 2012 Apr 19;4(1):13.
  7. J Am Coll Nutr. 2001 Jun;20(3):212-8.
  8. Diabetes Metab Syndr Obes. 2011 Jan 26;4:53-60.