Nâng cao kỹ năng “Tiếp cận bệnh nhân chấn thương” - học tập từ ca lâm sàng trực tuyến cùng Chuyên gia Cấp cứu Úc.

Ngày 24/04/2023

 -  396 Lượt xem

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Anh (Giảng viên Bộ môn HSTCCĐ - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đang hỗ trợ các bác sĩ trẻ trong buổi tập huấn. Ảnh: BVBC

 

Bệnh viện huyện Bình Chánh nằm ngay cửa ngõ phía tây TP.HCM, mỗi ngày tiếp nhận từ 80 - 100 bệnh nhân cấp cứu, trong đó số lượng bệnh nhân cấp cứu do chấn thương chiếm khoảng 20 - 30%.

 

Chấn thương có nguy hiểm không?

 

Chấn thương là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Hơn 45 triệu người trên toàn cầu bị khuyết tật từ trung bình đến nặng mỗi năm do chấn thương1. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở bệnh nhân chấn thương là xuất huyết, suy đa tạng và ngưng tim-ngưng thở2. Chính vì vậy việc tiếp cận xử trí ban đầu khi tiếp nhận một bệnh nhân chấn thương là vô cùng cần thiết và quan trọng để có thể cứu sống và giảm thiểu ít nhất thương tật mà bệnh nhân phải gánh chịu.

 

Bài học xử trí cấp cứu chấn thương từ chuyên gia Úc

 

Ngày 18/ 4/ 2023, Bệnh viện huyện Bình Chánh đã tổ chức buổi tập huấn trực tuyến chuyên đề “Xử trí ca lâm sàng chấn thương - Từ lý thuyết đến thực tiễn” cho các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực chống độc (CC và HSTCCĐ), khoa Nội Tổng hợp, khoa Ngoại Tổng hợp, khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, khoa Tai mũi họng trực thuộc BV huyện Bình Chánh và các đồng nghiệp đến từ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp và Bệnh viện Quận 11. Báo cáo viên là Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Hạnh (Bác sĩ cao cấp chuyên ngành cấp cứu, Bệnh viện “The Prince Charles Hospital”- Úc), đồng hành có Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Anh (Giảng viên Bộ môn HSTCCĐ - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

 

Tại buổi tập huấn, TS. BS. Phạm Ngọc Hạnh đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế lâm sàng, kiến thức trong tiếp nhận, xử trí bệnh nhân chấn thương, khai thác cơ chế chấn thương, lưu ý dấu hiệu sinh tồn, thay đổi sử dụng giảm đau ở bệnh nhân đau nặng, thăm khám tránh bỏ sót tổn thương, chỉ định và nhận diện các xét nghiệm lâm sàng (nổi bật nhất là dấu hiệu trên siêu âm POCUS), bù dịch, truyền máu, chuyển viện, chạy đua thời gian cấp cứu bệnh nhân.

 

Trong bầu không khí cởi mở, nhiệt thành, Bs Hạnh đã hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc của các bác sĩ trẻ tại bệnh viện Bình Chánh. “Với mục đích nâng cao kiến thức, cách tiếp cận xử trí ban đầu khi tiếp cận bệnh nhân chấn thương. Tôi rất mong muốn chia sẻ những kiến thức, những hướng dẫn cập nhật cho các bác sĩ ở Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ trẻ.” Bs Hạnh chia sẻ thêm.

 

Thành công của buổi hội thảo trên là kết quả của sự chủ động hợp tác giữa Bệnh viện huyện Bình Chánh với các thầy cô từ  các Trường Đại học Y Dược , các chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm, nhằm trang bị thêm nhiều kiến thức trong tiếp nhận, xử trí bệnh nhân chấn thương cho bác sĩ trẻ tại bệnh viện. Góp phần tăng khả năng cứu sống và giảm thiểu thương tật trên bệnh nhân chấn thương, đóng góp vào việc cải thiện chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Minh Tân

Tài liệu tham khảo:

  1. World Health Organization. Global burden of disease. www.who.int/healthinfo/global_burden_disease/en/ (Accessed on May 01, 2010).
  2. Uptodate 2023: Initial management of trauma in adults